Hãy luôn quan tâm đến chiếc xe của mình
Khi đạp xe xuyên Việt, chiếc xe là vật dụng vô cùng quan trọng. Nó phải hoạt động với cường độ cao, hàng trăm cây số một ngày với vận tốc nhiều khi tới 30km/h, Vì vậy, nó cần có sự chăm sóc đặc biệt. Hàng ngày, bạn phải luôn kiểm tra xe của mình. Cứ vài ngày (tức là đi được vài trăm km) bạn phải dắt xe ra cho ban kĩ thuật (sửa xe) tăng xích. Sau một trận đi mưa thì phải tra dầu, nếu không nó sẽ kêu lạch cạch khó chịu và làm cho bạn đi rất nặng nề.
Nếu bạn bị tụt, lạc đoàn, hãy bình tĩnh
Ban kĩ thuật (sửa xe) luôn đi sau cùng, vì vậy hãy đừng lo lắng nếu xe bạn bị hỏng, hãy kiên nhẫn đứng chờ. Bạn nên gọi điện cho đội trưởng an ninh hoặc trưởng ban của bạn biết là bạn bị hỏng xe ở đâu để họ có biện pháp hỗ trợ nếu cần thiết. Trong trường hợp xe hỏng mà bạn không thể đứng lại (chẳng hạn bạn cần đi tìm nước) thì hãy dắt xe theo và buộc lại lá cờ ở bên đường. Nếu có thể hãy ghi tên và số điện thoại của bạn vào lá cờ. Nó sẽ là dấu hiệu cho ban kĩ thuật biết là có người cần giúp đỡ.
Hãy học đi xe đạp bằng một tay
Trong chuyến đi xuyên Việt, thời gian đi xe đạp là khá dài và bạn phải làm rất nhiều việc khi đi xe đạp. Ví dụ đang đạp xe mà bạn thấy khát, thấy đói nhưng bạn không thể dừng lại vì nếu dừng chỉ 30s thôi, bạn sẽ bị tụt đoàn. Vì vậy, việc lái xe một tay để tay còn lại uống nước, lấy đồ ăn là điều cần thiết. Nếu đi thạo, bạn có thể một tay cầm chai nước, một tay cầm lương khô (hay bánh mì…) và ăn cho đến lửng dạ mà vẫn đảm bảo tốc độ đoàn đi. Bên cạnh đó, thạo đi xe đạp một tay là điều đặc biệt quan trọng nếu bạn muốn chụp lại những cảnh đẹp bên đường.
Vượt đèo là cả một nghệ thuật
Trong quãng đường xuyên Việt, bạn sẽ gặp hàng trăm dốc đèo. Với những con dốc nhỏ dài tầm vài trăm m đến một cây số thì bạn nên lấy đà, đạp thật nhanh và lao thẳng qua đèo. Trong quá trình đó, bạn cần chú ý khoảng cách với người đi trước để tránh phải phanh lại. Với những con đèo lớn tầm vài km trở lên như đèo Ngang, đèo Cả hay đèo Hải Vân thì việc phân phối sức lại trở nên rất quan trọng. Bạn không nên lấy đà để phi qua mà cần đi từ từ, nhấn bàn đạp đều đặn, uống nước theo từng ngụm nhỏ, tuyệt đối không được thở bằng miệng vì sẽ rất nhanh mất sức. Nếu có nhiều đồng đội xung quanh thì việc hát bài “hò kéo pháo” sẽ làm mọi người hưng phấn và quyết tâm hơn. Nếu chỉ có một mình thì việc cười với một ai đó đi đường cũng sẽ làm tăng nhuệ khí.
Tránh giờ cao điểm
Hàng ngày luôn có một quãng thời gian quy định để bạn tắm giặt, ăn cơm, vệ sinh cá nhân… Và đó luôn là thời điểm của sự “ùn tắc” khi mà số người quá đông mà số nhà vệ sinh, khả năng phục vụ của hậu cần luôn có hạn. Vì vậy, bạn nên tránh giờ cao điểm và thực hiện nó trong giờ thấp điểm. Ví dụ, khi mọi người đang cùng nhau đi tắm giặt thì bạn hãy đi ăn cơm. Khi bạn ăn xong, mọi người kéo vào nhà ăn thì bạn nên đi tắm. Buổi sáng, cả đoàn 5h30 dậy tập thể dục thì bạn hãy dậy lúc 5h15ph để tranh thủ đánh răng, rửa mặt. Tuy nhiên, phải luôn đảm bảo đúng giờ tập trung nếu bạn không muốn làm người bị phạt.
Tiết kiệm nước
Nước nhiều khi rất quý hiếm do cung thường xuyên không đáp ứng nổi cầu. Vì vậy, tiết kiện là vô cùng quan trọng.Khi thiếu nước tắm thì cố gắng kì cọ thật nhiều trước khi dội. Giặt quần áo thì chỉ cho một lượng xà phòng vừa đủ để tránh phải xả nhiều lần. Nhiều khi, một gói comfort ( hay downy) một lần xả sẽ trở thành vật cứu tinh của bạn. Ví dụ như năm 2008, khi ở Đại Lãnh – Khánh Hòa, các nhà vệ sinh đều hết nước. Trong đêm, mình tìm được một cái lu chứa khoảng 40 lít nước. Và chỉ với lượng nước như vậy, mình đã có thể gội đầu, tắm và giặt xong một bộ quần áo.
Còn nếu thiếu nước uống thì bạn hãy chú ý đến những chiếc bình. Ban hậu cần thường dùng nước lọc trong các bình 20 lít để uống. Khi nước đã không thể chảy ra từ vòi thì hãy lộn ngược nó lại và cho nước chả qua lỗ thông hơi trên nắp. Lượng nước này chỉ được khoảng nửa cốc nhưng sẽ là thừa đủ để cứu bạn trong cơn khát.
Nếu bạn không muốn mặc quần áo ướt – hãy mang theo một sợi dây
Với tốc độ mỗi ngày một tỉnh thì thời gian để phơi quần áo là rất ngắn. Vì vậy, làm sao phơi quần áo cho nhanh khô cũng là một vấn đề phải đặt ra. Và một sợi dây dài từ 3-5m sẽ trở nên rất hữu dụng. Bạn có thể buộc nó vào bất cứ 2 điểm nào có thể buộc được( ví dụ như 2 cái cây) và nó sẽ nhanh chóng trở thành dây phơi. Việc mang đi cũng rất dễ dàng vì chỉ cần cuộn lại, nó sẽ không to hơn một phong lương khô.
Hãy quan sát và làm quen thật nhanh với môi trường sống
Khi đi xuyên Việt, gần như bạn thay đổi địa điểm sống hàng ngày. Vì vậy phải làm quen thật nhanh với nó. Khi bạn vừa đặt chân đến nơi, thay vì việc ngồi phịch xuống tán gẫu thì hãy ngay lập tức đi khảo sát xung quanh. Bạn cần hình dung thật nhanh sơ đồ nơi mình sẽ sống và đặc biệt chú ý đến nhà vệ sinh, nhà ăn và nơi hội họp. Nếu bạn là con trai thì hãy tìm xem có chỗ nào có thể tắm ngoài trời không để dành nhà tắm cho các bạn nữ. Tránh tình trạng dở khóc, dở cười khi một bạn nam và một bạn nữ tranh giành nhà tắm với nhau.
WC nam hay nữ không quan trọng, quan trọng là dùng được
Khi đi xuyên Việt, bạn không nên nghĩ rằng: con trai thì không được vào nhà vệ sinh nữ và ngược lại. Chẳng hạn trong giờ đánh răng, rửa mặt buổi sáng, khi nhà vệ sinh nam đã chật ních mà bên nữ không có ai thì hoàn toàncó thể “di dân” để giảm tải. Một nhà vệ sinh thường có 2 bộ phận: Bộ phận để “hành sự” phía trong có cửa khóa và bộ phận để có vòi nước bên ngoài để rửa tay chân. Và tất nhiên khi một bạn nữ tắm ở trong thì một bạn nam có thể đánh răng ở bên ngoài và ngược lại. Điều này sẽ làm cả đoàn có thêm thời gian nghỉ ngơi và cũng giảm khả năng bị phạt do chậm trễ.